Lịch sử Rise, O Voices of Rhodesia

Bối cảnh

Quốc ca Zimbabwe
 "God Save the Queen" (không chính thức)1890–1901
 "God Save the King" (không chính thức)1901–1923
 "God Save the King"1923–1952
 "God Save the Queen"1952–1965
 "God Save the Queen"1965–1970
 "Rise, O Voices of Rhodesia"1974–1979
 "Rise, O Voices of Rhodesia"1979
 "God Save the Queen"1979–1980
 "Ishe Komborera Africa"1980–1994
 "Quốc ca Zimbabwe" 1994–nay

Một tranh chấp về các điều khoản trao tư cách quốc gia đầy đủ cho thuộc địa tự trị Rhodesia đã khiến chính phủ thiểu số chủ yếu là người da trắng, do Thủ tướng Ian Smith đứng đầu, đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Vương quốc Anh vào ngày 11 tháng 11 năm 1965. Vì Chính phủ Anh Quốc kiên quyết phải dựa trên nguyên tắc đa số mới có thể giành độc lập, tuyên bố này không được công nhận. Điều này khiến Vương quốc Anh và Liên Hợp Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Rhodesia. Nữ hoàng Elizabeth II tiếp tục là "Nữ hoàng Rhodesia" trong mắt chính phủ của Smith, do đó "God Save the Queen" vẫn là quốc ca của Rhodesia.[3] Mặc dù điều này nhằm thể hiện lòng trung thành lâu dài của Rhodesia đối với Nữ hoàng, nhưng việc lưu giữ một bài hát gắn liền với Vương quốc Anh giữa cuộc đấu tranh hiến pháp Anh-Rhodesia đã khiến những nghi lễ nhà nước Rhodesia có "một giai điệu có phần mỉa mai", theo cách nói của tờ Thời báo ở Luân Đôn.[4]

Chấp nhận

Bài quốc ca Rhodesia sử dụng giai điệu do Ludwig van Beethoven soạn (hình) năm 1824.[2]

Chính phủ Rhodesia bắt đầu tìm kiếm một bài quốc ca mới trong khoảng thời gian áp dụng lá cờ xanh trắng mới vào tháng 11 năm 1968,[5] nhưng vẫn tiếp tục sử dụng "God Save the Queen" cho đến tháng 6 năm 1969, khi cử tri chủ yếu là người da trắng bỏ phiếu ủng hộ hình thức chính phủ cộng hòa. Bài hoàng ca chính thức vẫn giữ nguyên cho đến tuyên bố chính thức về một nước cộng hòa vào tháng 3 năm 1970, khi nó bị bãi bỏ cùng với nhiều thứ khác liên quan đến Hoàng gia.[6][7] Cộng hòa Rhodesia không có quốc ca trong hơn bốn năm trước khi chính quyền công bố bản nhạc đã chọn vào ngày 28 tháng 8 năm 1974: Chương IV, thường gọi là "Khải hoàn ca", từ bản Giao hưởng số 9 của Ludwig van Beethoven.[5] Việc Hội đồng Châu Âu đã sử dụng giai điệu này làm "Quốc ca châu Âu" vào tháng 1 năm 1972 dường như không làm phiền chính phủ Rhodesia; John Sutherland và Stephen Fender nhận xét rằng sự lựa chọn của Rhodesia khiến chính quyền Công Đảng Anh vô cùng xấu hổ; các nhà lãnh đạo của họ giờ đây phải tôn trọng giai điệu gắn liền với Rhodesia khi tham dự các hoạt động chính thức của châu Âu.[8] Với phần nhạc hiện tại, chính phủ Rhodesia đã tổ chức một cuộc thi toàn quốc để viết lời bài hát phù hợp, người chiến thắng sẽ nhận giải thưởng tiền mặt trị giá 500 đô la Rhodesia (tương đương khoảng 1.000 đô la Mỹ).[5]

Dù không hài lòng với sự lựa chọn của Rhodesia, Hội đồng Châu Âu không phản đối điều đó với lý do rằng chừng nào Rhodesia còn sử dụng "Khải hoàn ca" ở dạng nguyên bản, nó không thể bị chê trách vì phần nhạc đã hết bản quyền từ lâu và thuộc phạm vi công cộng. Tuy nhiên, họ đã thông báo rằng nếu Rhodesia dùng phần soạn nhạc tương tự như Hội đồng Châu Âu thì tác giả của bản nhạc đó, Herbert von Karajan, sẽ có cơ sở để khởi kiện đạo văn.[9] Nhằm ngăn chặn sự cố tương tự, Rhodesia sử dụng bản soạn lại mười sáu thanh ban đầu của Đại úy Ken MacDonald, người chỉ huy quân nhạc Súng trường Châu Phi Rhodesia. Buổi biểu diễn nhạc khí đầu tiên của bài quốc ca ở Salisbury đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều: một số người nhiệt tình—bao gồm cả một trung sĩ nhạc công da màu, người đã tự hào nói với tờ Rhodesia Herald rằng "nó giống như 'Chúa Cứu lấy Nữ hoàng Nhân hậu'"[10]—nhưng nhiều người khác lại thất vọng vì chính phủ đã không lấy một giai điệu mới. Nhà phê bình âm nhạc của tờ Herald Rhys Lewis đã viết rằng ông cảm thấy "kinh ngạc"[10] trước sự lựa chọn của chính phủ, điều mà ông cho rằng không chỉ thiếu nguyên bản mà còn gắn liền với tình anh em siêu quốc gia đến mức nó có nguy cơ khiến Rhodesia, vốn bị quốc tế cô lập, trở thành đối tượng bị chế giễu. Phinias Sithole, người đứng đầu Đại hội Công đoàn Châu Phi (một liên minh công đoàn người da đen của Rhodesia), nhận xét ông không tin rằng hầu hết người da đen của đất nước sẽ đồng cảm với một bài hát được chọn trong khi những người thuộc sắc tộc của họ hầu như vắng mặt trong các cấp cao nhất của chính phủ.[10]

Người viết lời thắng cuộc, Mary Bloom, đã được xác nhận vào ngày 24 tháng 9 năm 1974.[11] Bà là giám đốc công ty, nhà phê bình âm nhạc và nhà thơ đến từ Gwelo, chuyển đến Rhodesia từ Nam Phi năm 1947. Bloom đặt tên cho tác phẩm của mình là "Voices of Rhodesia" (dịch Tiếng nói Rhodesia), song câu đầu "Rise, O Voices of Rhodesia", cuối cùng đã trở thành tiêu đề của bài hát theo cách nói thông thường.[1]

Các quan sát viên nước ngoài tỏ ra không mấy ấn tượng; nhà báo người Anh Richard West nhận xét rằng người Rhodesia da trắng "nổi tiếng với sự phản bác nghệ thuật, cái đẹp, tâm linh và trí tuệ", đã hỏi "làm sao người ta có thể không...lúng túng xấu hổ khi TV ngừng chiếu vào ban đêm với quốc ca Rhodesia theo giai điệu bản giao hưởng hợp xướng của Beethoven?"[12]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Rise, O Voices of Rhodesia http://www.thenewrbc.com/music/Songsofrhodesia/14%... http://news.bbc.co.uk/2/hi/africa/3906619.stm https://books.google.com/books?id=ihK0ofGjIlgC&q=%... https://books.google.com/books?id=A3EMAQAAIAAJ&q=a... https://books.google.com/books?id=W0KNBgAAQBAJ&q=a... https://books.google.com/books?id=QxFVAAAAYAAJ https://news.google.com/newspapers?nid=2211&dat=19... https://news.google.com/newspapers?id=cHBmAAAAIBAJ... https://www.youtube.com/watch?v=XYJTSuRwfsI https://web.archive.org/web/20201008193512/http://...